Tấm Cám - Những bài học trong thời đại 4.0

 

Cuối tuần rồi, tôi có dịp đọc lại truyện cổ tích “Tấm Cám", câu chuyện cổ tích mà tôi từng thích nhất hồi còn nhỏ. Tôi tin rằng Tấm Cám cũng lớn lên cùng với rất nhiều thế hệ của hàng triệu người Việt Nam từ xưa đến nay. Chứa đựng bài học về ở hiền gặp lành, gieo ác gặp ác, gieo nhân nào thì được quả ấy mà cha ông ta đã gửi gắm.

Đọc Tấm Cám trong bối cảnh mới, cùng với việc đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường, bất chợt tôi nhận thấy 3 bài học có thể áp dụng được trong thời đại hiện nay. Xin được chia sẻ cùng với mọi người.

Bụt là một Mentor?

Nửa đầu câu chuyện, mỗi lần Tấm gặp vấn đề, đều ngồi khóc và ông Bụt hiện lên để đưa ra những giải pháp giúp Tấm giải quyết vấn đề. Khi còn bé, tôi chỉ thấy mỗi khi Bụt xuất hiện là sẽ mang phép màu đến cho Tấm. Giờ thì tôi thấy Bụt chỉ đơn thuần là một người đưa ra những câu hỏi, rồi gợi ý giải pháp, cách làm để Tấm lựa chọn thực hiện. Bụt là hiện thân của một Mentor trong thời đại ngày nay hơn là ý nghĩa một vị thần tiên đơn thuần.

Trong cuộc sống đầy biến động hiện nay, chúng ta có thể gặp những vấn đề khó khăn vào bất cứ lúc nào. Sáng chúng ta vừa thống nhất với sếp được một bản kế hoạch, chiều đã là một mục tiêu khác được giao cho. Chúng ta không thể cứ ngồi khóc để chờ mong có người sẽ giải quyết giúp đống vấn đề đó. Không có và không bao giờ có.

Nhưng chúng ta được phép mong có một người đến bên cạnh để cố vấn, gợi mở cho ta những hướng giải quyết. Như ông Bụt đã đến để bảo ta đừng khóc, nhìn thẳng vào vấn đề (nhìn vào cái giỏ thấy còn còn cá bống) và tìm hướng giải quyết từ chính cái giỏ đó (mang về thả giếng để nuôi.)

Đó chính là Mentor. Họ mang đến cho bạn kiến thức, kỹ năng để giúp bạn mạnh mẽ. Họ vẽ ra con đường để đi đến đích và bạn phải học cách để tự mình đến đó. Chứ họ không phù phép, không xuống ao mò cá mò tép để giúp bạn có lại một giỏ cá đầy.

Mentor có thể là quản lý của bạn, có thể là bố mẹ bạn, có thể là đồng nghiệp ngồi bên cạnh bạn. Mentor có thể là một khoá học, có thể là một cuốn sách. 

Mentor có thể chính là bạn. 

Thay đổi hay là chết!

Nửa sau truyện Tấm Cám, Mentor không còn xuất hiện nữa, kể từ khi Tấm trèo lấy cau bị dì ở dưới chặt cây ngã chết đến hết, Bụt không còn xuất hiện nữa. Bởi giờ là lúc Tấm đã trưởng thành nên Tấm chọn cách thay đổi để tồn tại (và tất nhiên cả chiến đấu nữa). Tấm thay đổi thành chim vàng anh, thành cây xoan đào, thành khung cửi và trong thân phận quả thị để giải quyết các vấn đề mà mình gặp phải.

Sự phát của công nghệ ngày nay khiến cho mọi mặt của đời sống đều thay đổi không thể dự đoán được. Sự xuất hiện của Facebook, Airbnb, Uber, Blockchain, ... đã khiến cho mọi thói quen trước đây thay đổi. Rồi kể cả khi bạn có đủ số liệu, công nghệ, thuật toán để dự đoán được thì vẫn không có gì chắc chắn rằng bạn sẽ thành công. Trước khi năm 2020 bắt đầu, bạn có dự đoán được rằng dịch COVID-19 sẽ xảy ra không? Nhưng nó đã xảy ra và làm thay đổi tất cả.

Giờ ngoài việc có một Mentor bên cạnh, chúng ta phải luôn ở trong tâm thế của thay đổi. Bạn phải luôn luôn học hỏi cái mới, thử-sai-và-trưởng thành. Bạn phải luôn để suy nghĩ của mình ở bên ngoài những cái hộp của thói quen cũ, linh hoạt trong mọi tình huống. Bạn buộc phải thay đổi. Giờ không có thời gian cho sợ hãi và khóc lóc nữa. Hoặc là bạn thay đổi, hoặc là bạn sẽ chết.

Hãy chăm sóc khách hàng như Thị-Tấm

Sau bao cuộc thay hình đổi dạng, Tấm trở về với những giá trị của chính Tấm - một con người hiền lành, chịu thương chịu khó - khi ẩn mình trong thân phận quả thị. Được bà lão mang về, Thị-Tấm đã mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà. Là Thị thì mang đến mùi hương thơm ngát cho bà lão, lúc bà vắng nhà, Tấm hiện ra để giúp bà làm việc nhà. Thị-Tấm cứ lặng lẽ tỏa hương, tận tình chăm sóc bà lão mà không cần bà lão phải ghi nhận.

Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, niềm tin chưa bao giờ mong manh đến thế. Nếu chúng ta chăm sóc và mang lại trải nghiệm cho khách hàng như cách Thị-Tấm đã chăm sóc và mang lại cho bà lão, thì chắc chắn chúng ta sẽ chiếm được trái tim của họ. Niềm tin không phải tự nhiên đến mà phải được xây dựng từ từ. Mỗi ngày bạn không nề hà vất vả, không quản ngại khó khăn để mang lại cho khách hàng sự chăm sóc ân cần, chu đáo - đó chính là sự tận tình.

Và hãy nhớ, bạn thực hiện những điều đó không phải là để khách hàng phải ghi nhận bằng những lời cảm ơn, những món quà, mà bởi đó chính là giá trị của con người bạn. Bởi nếu bạn làm chỉ để được cảm ơn - thì cũng có nghĩa rằng khi khách hàng không cảm ơn, bạn sẽ không còn giữ được thái độ tận tình nữa. Bạn đừng lo, bởi đến như bà lão còn nhận ra được tấm chân tình của Tấm, thì sớm muộn gì khách hàng cũng sẽ nhận ra bạn đã tuyệt vời như thế nào. Họ sẽ yêu quý bạn, sẽ trung thành với sản phẩm dịch vụ của bạn và nói với những người khác về điều đó.


Hi vọng rằng, bài chia sẻ nhỏ này sẽ các anh chị và các bạn sẽ tìm được Mentor của mình học hỏi, hoặc trở thành Mentor để dìu dắt một đồng nghiệp của mình. Sẽ luôn trong tâm thế sẵn sàng thay đổi để thích nghi nhanh nhất có thể với những biến động khôn lường của cuộc sống. Và hãy luôn nghĩ về hình ảnh Tấm trong thân phận quả thị để mang lại cho khách hàng của mình những trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Comments

Archive

Contact Form

Send